Bản tin thời sự: Chất vấn Bộ trưởng Y tế - Họp Quốc Hội
- 15h20Giám đốc Bệnh viện Tim tranh luận với Bộ trưởng Y tế và Tổng giám đốc Bảo hiểmGiám đốc Viện tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tranh luận với Bộ trưởng Y tế và Tổng giám đốc Bảo hiểm Việt Nam về chi trả bảo hiểm y tế. Ông cho rằng nếu bệnh nhân bỏ 100 đồng đi khám thì bảo hiểm y tế chi trả 29 đồng, bệnh nhân tự trả 43 đồng; 19 đồng do nhà nước trả và 9 đồng từ các nguồn khác. Như vậy nếu bảo hiểm y tế trả 1 đồng thì người dân đồng chi trả 1,5 đồng.Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ đồng chi trả trên 30% thì không đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế. Nên hiện có xu thế người giàu khám chữa bệnh tuyến tỉnh, trung ương, người nghèo khám tuyến quận, huyện. Đây chính là sự mất công bằng, bất bình đẳng trong dịch vụ y tế. Nguyên nhân đã được nói nhiều, đầu tư chưa đủ, trang thiết bị yếu kém, đặc biệt vấn đề chuyên môn…Nghiên cứu của Viên Chiến lược và Chính sách y tế tại 4 tỉnh với bệnh tăng huyết áp thì cho kết quả chuẩn đoán đúng 54%, kê đơn thuốc có thể có hại cho bệnh nhân 32%. Điều này gây mất lòng tin của người dân với y tế cơ sở. Vì thế có nghịch lý 70% bệnh nhân khám ở tuyến cơ sở, bảo hiểm y tế chi trả 30% tổng giá trị chi trả, trong khi đó 30% khám tuyến tỉnh thì bảo hiểm y tế chi trả 70%.Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng nhìn vào nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế phải toàn diện, không thể chỉ toàn tiêu cực. "Chuyện tiêu cực bảo hiểm y tế có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, không thể cứ đổ lỗi cho dân và ngành y tế. Muốn không vỡ quỹ thì phải xem lại bài toán quỹ bảo hiểm y tế, chứ không chỉ nhăm nhăm siết chi", bà Phong Lan nói.Bà Lan phản ánh cán bộ y tế rất phàn nàn chuyện siết chi bằng các biện pháp như gọi điện thoại, gửi email... "Việc đó tiềm ẩn tiêu cực không kém gì những người trục lợi. Họ thấy khó khăn khi vừa phải tập trung chuyên môn, vừa phải tính xem cái này cái kia có trong danh mục chi không, có được xuất toán không. Ngành y tế không thể từ chối khám chữa bệnh, chỉ mong sau đó không có hậu quả gì", bà Lan nói.
- 15h10Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội: Có yếu tố bất thường trong chi bảo hiểmTham gia giải trình, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng Luật bảo hiểm y tế là bước tiến dài về an sinh xã hội, quyền lợi được hưởng cao so với mức đóng. Quỹ bảo hiểm y tế trong thời gian qua làm được khối lượng công việc lớn, mỗi năm khám chữa bệnh cho khoảng 150 triệu lượt người, độ bao phủ là 77 triệu (83% dân số).Theo bà, bình quân mức thu bảo hiểm y tế mỗi người chưa đến 30 USD, tổng quỹ mỗi năm được trên 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối tượng phục vụ quá lớn và rải ra ở 14.000 cơ sở khám chữa bệnh nên dẫn đến tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế từ cả người bệnh lẫn cơ sơ y tế.“Tổng quỹ bảo hiểm y tế được phép sử dụng trong năm 2017 là 73.000 tỷ đồng, nhưng theo số liệu dự báo thì năm nay sẽ chi khoảng 80.000 tỷ đồng, nghĩa là tăng 7.000 tỷ đồng”, bà Minh nói và cho rằng trong đó có 10% là “có yếu tố không bình thường”.
- 15h00Thu chi bệnh viện luôn có sự giằng coÝ kiến của đại biểu Nguyễn Phi Thường về chính sách siết chi, Bộ trưởng cho biết Việt Nam cũng nằm trong quy luật chung, hiện quy luật khám chữa bệnh như một tam giác. Bệnh nhân muốn hưởng quyền lợi cao nhất, đóng thấp nhất, giá không tăng. Bác sĩ và ngành y tế thì muốn thuốc tốt nhất, nhiều xét nghiệm cao nhất, máy móc hiện đại nhất, chữa tốt nhất. Hội đồng y khoa lúc nào cũng đưa ra phác đồ tiên tiết nhất. Nhưng bảo hiểm y tế họ giữ quỹ, bảo đảm không phá quỹ thì phải có mức chi nhất định, hạn chế chi quá mức. Lúc nào cũng có sự giằng co.Nếu là tam giác cân thì sẽ hài hòa, nhưng kéo về bên nào thì có thể bị lạm dụng, trục lợi, hoặc bị lạm dụng kỹ thuật, siết chi. Hiện nay rất căng thẳng. Bộ vừa tổ chức cuộc họp với các tỉnh, đến 21h vẫn còn phát biểu vì vấn đề chi trả cho bệnh viện rất nóng. "Chắc là bảo hiểm xã hội đã có giải pháp để cân bằng thu chi, vẫn đáp ứng được khám chữa bệnh cho người dân", Bộ trưởng nói.
- 14h40Sẽ phát triển dược liệu, đông yTrả lời chất vấn các nhóm vấn đề: thuốc y học cổ truyền; hành nghề y tư nhân; chất lượng khám chữa bệnh, Bộ trưởng Y tế cho hay, ý kiến đại biểu băn khoăn về chất lượng thuốc y học cổ truyền là đúng trong thời gian trước. Hiện nay thuốc nhập về qua tất cả các đường đều phải kiểm nghiệm chất lượng mới được đưa vào chữa bệnh. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường thanh kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý tình trạng buôn lậu thuốc y dược.Về giá thuốc đông y, Bộ trưởng Y tế cho hay, cũng giống như tân dược, thuốc đông y được đấu thầu và do nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm, được ngành bảo hiểm quản rất chặt “nên không thể loạn giá được”. Với ý kiến nên tăng cường nuôi trồng, chế biến dược liệu, lãnh đạo ngành y thông tin, vừa qua Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về dược liệu để đưa ra những chính sách phát triển nuôi trồng, sản xuất thuốc y dược trong nước.Việc người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt, Bộ trưởng cho biết hiện nay có nhiều doanh nghiệp dược Việt Nam được bầu làm ngôi sao thuốc Việt và ưu tiên trong đấu thầu. Sắp tới Bộ sẽ tăng cường phát triển dược liệu, đông y.
- 14h20Đại biểu hỏi có hay không việc khám chữa bệnh đang đi theo xu hướng giá rẻĐại biểu Bùi Thị Thủy và Đinh Thị Kiều Trinh phản ánh từ khi thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh, kết quả làm gia tăng tuyến huyện và tỉnh, giảm nhanh tuyến xã, gây lãng phí ở tuyến xã. Giải pháp gì để phát huy hiệu quả tuyến cuối này? Mặt khác, dù đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường, nhưng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở vẫn thiếu và yếu, làm sao để cải thiện việc này?Phản ánh Bộ Y tế có nhiều phong trào, nhưng chỉ rộ lên một thời gian rồi lắng xuống, như nói không với phong bì, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì tránh đầu voi đuôi chuột? Câu hỏi thứ hai là nhiều cơ sở thiếu bác sĩ, dược sĩ, đặc biệt là trình độ cao, nhưng ngành lại đang tinh giản biên chế, vậy giải pháp gì để đảm bảo đủ nguồn nhân lực?Đại biểu Nguyễn Phi Thường đặt vấn đề nhằm tránh vỡ quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế thực hiện chính sách siết chi. "Dường như chính sách y tế của ta đang theo xu hướng giá rẻ, đi ngược lại chủ trương nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm về việc này?", ông Thường hỏi.Cho rằng giá thuốc thấp hơn 10% so với khu vực, nhưng vẫn rất cao so với khả năng thanh toán của người dân, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng hỏi có giải pháp căn cơ nào để tập trung xây dựng, phát triển công nghiệp dược, để cung cấp thuốc tốt, giá rẻ và có hướng xuất khẩu?Ông Hưng đặt vấn đề ngành y tế đã tham gia tích cực vào phong trào người Việt dùng hàng Việt hay chưa? Bởi thực tế thầy thuốc thường kê đơn mua thuốc ngoại.
- 14h00Tăng cường chất lượng y tế cơ sở là nội dung trọng tâm trong nhiệm kỳ nàyMở đầu phiên chất vấn chiều 14/6, Bộ trưởng Tiến tiếp tục trả lời về y tế cơ sở. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này. Trong bối cảnh xuất phát điểm thấp, ngân sách đầu tư còn hạn chế so với nhu cầu, Bộ đã chọn lựa những việc ưu tiên để làm. Ví dụ y tế cơ sở, nhân lực y tế chuyên sâu thì cố gắng nhiệm kỳ này phải giải quyết, nhưng có những vấn đề phải dài hơi hơn.Về bộ máy tổ chức ngành y tế đại biểu nói phân tán, chưa hiệu quả, Bộ trưởng cho biết đã có nhiều văn bản quy định về tổ chức cơ sở y tế. Bộ trưởng và 5 thứ trưởng đã đi rà soát các tỉnh để tinh gọn bộ máy và giảm biên chế. Nếu các tỉnh và các trung tâm không có người bệnh mà tập trung lại được, như 9 trung tâm nhập về 2 thì trên 63 tỉnh thành sẽ giảm được biên chế, tinh gọn được bộ máy. Tương tự ở tuyến huyện, Bộ đã có thông tư 37 mỗi huyện chỉ có một trung tâm y tế. Dưới có trạm y tế xã là cơ quan chuyên môn, cán bộ làm việc ở xã như một viên chức, có thể luân phiên điều động từ xã lên huyện. Sắp tới, Bộ đề xuất với Bộ Nội vụ, ở một số thành phố lớn có phòng y tế với đầy đủ chức năng, còn ở tỉnh quy mô dân số ít, thì nên có một người lo về y tế gắn với UBND huyện. Như vậy bớt được mô hình, gọn nhẹ bộ máy.Bộ trưởng thừa nhận nhân lực vừa thiếu vừa yếu ở tuyến dưới, có tình trạng tuyến dưới cố gắng chuyển lên tuyến trên, bác sĩ giỏi cố gắng làm bệnh viện lớn hoặc làm bệnh viện tư để có lương cao hơn. Đây là tình trạng có thật không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng như vậy. Bộ đã có biện pháp đào tạo đại học cử tuyển cho vùng sâu, đào tạo theo địa chỉ ở những vùng khó khăn được lấy trên sàn dưới chuẩn. Bộ cũng có chương trình đào tạo thêm 3 năm sẽ về công tác ở huyện vùng sâu. Sắp tới Bộ sẽ bàn giao cho Lào Cai 7 bác sĩ, và bàn giao 79 bác sĩ cho các địa bàn khó khăn khác.Những bác sĩ này lương cao, hưởng biên chế, học ngay chuyên khoa 1 và có thể đẩy nhanh học chuyên khoa 2. Một cách nữa là triển khai 100% số tỉnh là bệnh viện hạt nhân, về chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tỉnh. Nhờ đó bệnh viện vệ tinh đã can thiệp được một số lĩnh vực khó. Đề án 1816 cũng đang được thực hiện, đó là bệnh viện trung ương chuyển giao công nghệ cho bệnh viện huyện. Bệnh viện tỉnh chuyển giao cho bệnh viện huyện. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn kỹ thuật lên rất cao là nhờ đề án này, nhờ nguồn vốn ODA.
- 11h30Nhiều đại biểu tranh luận với Bộ trưởng7 đại biểu tranh luận và tiếp tục đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tiến. Ông Phạm Như Hiệp đồng ý với Bộ trưởng rằng y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng, một đồng cho y tế cơ sở bằng 10 đồng khám chữa bệnh. Nhưng cơ cấu bệnh tật thay đổi, nhiều bệnh nan y, y tế cơ sở không phát hiện được. Đến khi phát bệnh thì đã nghiêm trọng, điều trị tốn kém. "Bộ có giải pháp gì sớm phát hiện bệnh hiểm nghèo?", ông Hiệp hỏi."Việc trang thiết bị y tế mau hỏng, đắp chiếu là không thể chấp nhận. Bộ trưởng đã trình bày, nhưng chưa chỉ rõ tại sao, giải pháp là gì", đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương chất vấn. Bà Hương hỏi có hay không tình trạng cấp trên cấp trang thiết bị xuống cơ sở nhưng không phù hợp với nhu cầu, cơ sở không đáp ứng nguồn nhân lực, hướng xử lý sắp tới thế nào?Vấn đề y tế cơ sở dù được Bộ trưởng trả lời nhiều, nhưng đại biểu Lê Quân vẫn chưa thấy thuyết phục. Ông cho rằng nếu tập trung đầu tư quá nhiều vào y tế công lập thì e rằng vài năm tới tình hình không chuyển biến. Mạng lưới y tế, ngoài các bệnh viện công, trung tâm, trạm y tế xã phường thì còn đội ngũ đông đảo các bác sĩ tư, phòng khám tư."Họ có đóng góp nhất định trong việc khám chữa bệnh. Tại sao ta không học các nước, cho phép bác sĩ được sử dụng thiết bị y tế công ở những trung tâm, trạm y tế xã phường, vốn đang ít được sử dụng, vào việc khám chữa bệnh?", ông Quân đặt câu hỏi.Đại biểu Hoàng Đức Thắng phản ánh thực tế rất nhiều bệnh nhân điều trị mãi một cơ sở y tế không khỏi, nhưng không được chuyển lên tuyến trên bởi bị ràng buộc bảo hiểm y tế. "Trách nhiệm của ngành và cá nhân Bộ trưởng thế nào?, ông Thắng chất vấn.Chia sẻ bức xúc của người dân khi đi khám bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng việc khám chữa bệnh bằng loại bảo hiểm này đang méo mó, các bên liên quan đến không hài lòng, ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh, đi lệch mục đích tôn chỉ của ngành. "Vậy trách nhiệm Bộ Y tế ở đâu, quan điểm và biện pháp xử lý vấn đề này thế nào?", ông Thường đặt câu hỏi. Ông cũng chất vấn Bộ trưởng bao giờ thì áp dụng sổ bảo hiểm y tế điện tử?Chốt lại phần sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 18 đại biểu hỏi Bộ trưởng Y tế. Sau phần nghỉ trưa, Bộ trưởng tiếp tục đăng đàn.
- 11h00'Bán thuốc không kê đơn là yếu kém của ngành'Bộ trưởng Tiến thừa nhận ý kiến đại biểu Dương Minh Ánh về tình trạng bán thuốc không cần kê đơn là “xác đáng”. “Đây là yếu kém của ngành, chúng tôi nhận trách nhiệm”, bà Tiến nói và cho hay, đội ngũ thanh tra vấn đề này còn yếu, cả nước chưa đến 300 người.Thừa nhận có tình trạng lạm dụng kháng sinh và để hạn chế, Bộ trưởng cho hay Việt Nam là một trong những nước tham gia thí điểm chương trình quản lý kháng kháng sinh của Tổ chức Y tế thế giới. Bộ sẽ đưa ra một số giải pháp như ban hành thông tư kê đơn, kê đơn thuốc điện tử…Với chất vấn “loạn giá thuốc”, giá nhập khẩu cao hơn rất nhiều giá bán, Bộ trưởng nhận định “có thể đúng và không đúng”. Với thuốc trong bệnh viện, nhà thuốc trong viện, Bộ đã ban hành thông tư quản lý giá và hiện giá thuốc khu vực này khá tốt. Các nhà thuốc ngoài bệnh viện thì phải tôn trọng quy luật thị trường. Bộ có lực lượng đi kiểm tra việc niêm yết giá, nhưng rất mỏng.Theo Bộ trưởng, giá thuốc cao tập trung ở nhóm biệt dược, do vấn đề bản quyền. Hiện gần 700 biệt dược có bản quyền, Bộ sẽ nắm bắt nhu cầu và tổ chức đàm phán giá với đối tác cung cấp. Với gần 500 biệt dược gần hết bản quyền, Bộ sẽ đưa vào đấu thầu…
- 10h55Trục lợi bảo hiểm từ cả cơ quan y tế và người dânVề trục lợi bảo hiểm y tế, bà Tiến cho biết ngành vừa tổ chức đoàn đi giám sát thấy có tình trạng lạm dụng từ 2 phía cơ quan y tế và người dân. Do giá dịch vụ tăng, quyền lợi được hưởng của người đóng bảo hiểm y tế rộng hơn, và với chủ trương thông tuyến nhiều người đã lạm dụng. Có người khám đến 20-30 lần trong thời gian ngắn, sáng đi khám, chiều lại từ bệnh viện này sang bệnh viện khác…Với các cơ sở y tế, cơ chế tự chủ bên cạnh mặt tích cực cũng có hạn chế là lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế cao, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thật cần thiết nhưng vẫn yêu cầu nằm viện… để tăng nguồn thu. “Bộ sẽ làm quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ hơn, kèm theo giám sát, cùng với Bảo hiểm xã hội có định mức trần chi, đổi mới mô hình tự chủ của cơ sở y tế; y tế các cơ sở công nhận kết quả xét nghiệm của nhau”, bà Tiến nói.
- 10h50Đại biểu lo lắng tình trạng kháng thuốcĐại biểu Nguyễn Thị Minh Ánh nêu vấn đề tình trạng bán thuốc không cần kê đơn của bác sĩ, lạm dụng kháng sinh khiến bệnh nhân kháng thuốc, mất hàng tỷ USD để chữa trị. Việc bán thuốc không theo đơn diễn ra tràn lan, mặc dù nhà nước đã có quy định xử phạt. Bà Ánh đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm về vấn đề này?Cùng quan tâm đến vấn đề kháng thuốc, đại biểu Phạm Văn Tuân cho hay, nhiều cửa hàng thuốc bán theo triệu chứng người mua kể mà không theo toa của bác sĩ. “Bao giờ mới chấm dứt tình trạng dược sĩ kê đơn như bác sĩ”, đại biểu Tuân chất vấn.Vấn đề lạm dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Phạm Văn Tuân và bà Hồ Thị Kim Ngân cùng đặt vấn đề thực trạng trên có phải do cơ chế giao tự chủ cho bệnh viện công lập phải đảm bảo thu chi tài chính, chứ không xuất phát từ nhu cầu người bệnh?Về nguồn lực bác sĩ, đại biểu Hồng Vân đề nghị Bộ trưởng chỉ ra giải pháp khắc phục tình trạng chảy máu chất xám từ bệnh viện công sang bệnh viện tư. Có thực tế nhiều bác sĩ khám chữa bệnh tại bệnh viện công rất sơ sài. “Phải chăng bác sĩ đã khám ở nhà, bệnh viện tư quá mệt mỏi”, bà Vân đặt câu hỏi.
- 10h40Cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận của kiểm toánVề đầu tư trang thiết bị ngành y tế, Bộ trưởng Tiến cho biết vừa qua Kiểm toán Nhà nước kết luận nhiều thiết bị chưa hết khấu hao đã hỏng, đắp chiếu. Tuy nhiên, theo bà, một trong những lý do là công suất quá lớn kể cả ở tuyến tỉnh; một số máy đắp chiếu vì đang trong thời gian bảo hành, bảo trì…Về chênh lệch giá cao giữa các cơ sở y tế khi mua cùng một mặt hãng, bà Tiến lý giải “kiểm toán có quyền kết luận, tuy nhiên các cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận này”, vì trang thiết bị vật tư y tế rất đa dạng. Ví dụ, kim cánh bướm là kim nhỏ để luồn trong mao mạch nhỏ, thông thường Bệnh viện Việt Đức mua giá 6-7 nghìn đồng mỗi chiếc, trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy mua gấp 10 lần. Vấn đề ở chỗ cùng là kim cánh bướm, nhưng cái Bệnh viện Chợ Rẫy mua là kim có khóa, có van, đầu vát để tránh đau cho bệnh nhân…, vì vậy giá chênh lệch nhau.“Giá đấu thầu ở các bệnh viện đó theo đánh giá của Thanh tra Bộ Y tế và các đoàn giám sát là vào loại thấp nhất”, bà Tiến nói.Trả lời câu hỏi “giá khám chữa bệnh tăng, chất lượng có tăng”, bà Tiến nói trong thực tế lộ trình điều chỉnh giá y tế đã chậm vì dự kiến năm 2017 sẽ “tính đúng tính đủ” nhưng hết năm nay chưa thực hiện được. “Khi giá tăng thì chất lượng phải tăng”, Bộ trưởng Y tế cam kết và cho biết sẽ đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ y bác sĩ.
- 10h30Hơn 7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luậtVề ứng xử thiếu tôn trọng của y bác sĩ, Bộ trưởng Y tế thừa nhận có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Vừa qua ngành đã có chương trình đổi mới toàn diện thái độ phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, áp dụng nhiều biện pháp như đường dây nóng, thùng thư góp ý, lắp đặt camera, giám sát chuyên môn…, chế tài nghiêm khắc với các sai phạm. Hơn 7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật thời gian qua, từ cảnh cáo đến buộc ra khỏi ngành.Trước tình trạng lãng phí, gây phiền hà cho người dân khi phải đi xét nghiệm nhiều lần, Bộ trưởng cho biết đã ban hành thông tư công nhận các xét nghiệm lẫn nhau của bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh. Đến năm 2018 tất cả kết quả xét nghiệm ở các cấp sẽ được công nhận.Bộ trưởng Tiến cho biết việc người dân muốn tiếp cận dịch vụ y tế cao và đến thẳng tuyến Trung ương là nguyện vọng chính đáng. Hiện đã có quy định cho thông tuyến và đến năm 2021 sẽ “thông toàn quốc”.Tuy nhiên, y tế cơ sở là nơi có thể chăm sóc sức khỏe ban đầu, với các bệnh nặng và mãn tính thì Bộ có chương trình để giải quyết. Theo bà, nhiều bệnh nhân cũng muốn nhận thuốc để điều trị theo phác đồ ngay tại cấp huyện và cấp xã mà không cần lên tuyến Trung ương.
- 10h25Giá thuốc Việt Nam thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEANKhông trả lời câu hỏi cụ thể của từng đại biểu, Bộ trưởng Y tế trình bày theo nhóm vấn đề. Với chất vấn của đại biểu Trịnh Ngọc Phượng rằng giá thuốc Việt Nam cao hơn thế giới thế nào, Bộ trưởng Tiến khẳng định với các văn bản quản lý của Chính phủ và Bộ ban hành thời gian qua thì thị trường thuốc Việt Nam ổn định, không tăng cao. Trong chỉ số giá tiêu dùng CPI của mặt hàng thiết yếu, thuốc là đứng 9-10, nghĩa là không tăng đột biến.Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra đánh giá độc lập giá thuốc biệt dược và một số loại thuốc gốc chữa ung thư, tim mạch, tiểu đường thì Việt Nam thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEAN. Trong khi của các nước khác, như Philippines, Thái Lan cao hơn 37% và 19%. Đây là đánh giá của tổ chức quốc tế."Nói là giá thuốc của chúng ta cao hơn thế giới thì có lẽ phải có số liệu và đánh giá độc lập của tổ chức quốc tế", Bộ trưởng khẳng định.
- 10h2058 đại biểu đăng ký chất vấnĐầu phiên chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, có 58 đại biểu đăng ký câu hỏi. Phản ánh tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội, lạm dụng các kỹ thuật trong chẩn đoán, y tế xã phường lạc hậu, việc chuyển viện với những bệnh nan y rườm rà, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị tư lệnh ngành y tế nêu giải pháp.Đại biểu Nguyễn Chiến phản ánh tình trạng quá tải cơ sở y tế dẫn đến y bác sĩ thiếu tôn trọng người bệnh, trong khi ở nước ngoài nhân viên y tế "cúi rạp người cảm ơn bệnh nhân khi xuất viện". “Vậy ở nước ta, Bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào để cải thiện việc này”? Ông Chiến cũng quan tâm đến việc nhiều loại trang thiết bị, vật tư y tế nhập khẩu chưa dùng đã hỏng, giá cao mà cơ quan chức năng phát hiện vừa qua.Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị Bộ trưởng Y tế làm rõ thông tin giá thuốc ở Việt Nam cao hơn mặt bằng chung trong khu vực, Bộ có giải pháp gì để giảm tác động của việc tăng giá thuốc đối với nhóm khó khăn.Đại biểu Trịnh Ngọc Phương chất vấn Bộ trưởng Y tế.
- 10h10Sau Bộ trưởng Nông nghiệp và Văn hoá, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội khoá 14.Theo tổng hợp ý kiến đề nghị chất vấn của các đại biểu, những nhóm vấn đề mà bà Tiến sẽ giải đáp là: thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh; giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế.Những tồn tại, bất cập của ngành y như quá tải bệnh viện, chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh ở tuyến dưới (huyện và tuyến xã) vẫn còn hạn chế chưa được người dân tin tưởng cao: Tai biến y khoa xảy ra rải rác tại các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên; Lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị tại một số bệnh viện… cũng được các đại biểu quan tâm.
- Chi tiết: http://vnexpress.net/tuong-thuat/thoi-su/bo-truong-y-te-luon-co-su-giang-co-trong-chi-tra-bao-hiem-3599381.html
Nhận xét
Đăng nhận xét